Sống Tốt Hơn

NHỮNG CÁCH MÌNH THƯỜNG LÀM KHI BÍ Ý TƯỞNG

bí ý tưởng

Nếu như bạn hỏi mình viết blog có khó không thì câu trả lời là có vì mình thường xuyên bí ý tưởng. Điều này mình gặp phải từ lúc bắt đầu luyện viết đến bây giờ. Còn nhớ, khi đưa ra quyết định thực hiện thử thách viết 100 ngày liên tục trong nhóm On Writing Daily, mỗi ngày mình đều đối diện với câu hỏi: “Viết gì đây trời, sao không có chữ nào trong đầu nhỉ?”

Mục tiêu những tháng cuối năm 2022 của mình là mỗi tuần xuất bản một bài trên blog cộng thêm các nội dung chia sẻ lên mạng xã hội. Dù thường xuyên bí ý tưởng nhưng mình vẫn có thể duy trì đều đặn. Mình biết rằng không hề dễ dàng, tuy nhiên nếu chúng ta muốn thì sẽ có cách thực hiện. Vậy mình làm gì khi bí ý tưởng?

Lục tìm trong trí nhớ

Mình chọn cách viết storytelling – chia sẻ những câu chuyện của bản thân hoặc của người khác mà mình trải qua/nghe/thấy rồi đúc kết lại. Do đó, khi bí ý tưởng, mình thư giãn cơ thể một chút và lục tìm trong trí nhớ, bắt đầu từ câu hỏi:

– Mình có gì để chia sẻ với người khác không?
– Mình có câu chuyện nào hay để kể không?

Có lúc mình nhớ ra một vài ký ức hay ho có thể triển ngay thành bài viết nhưng cũng có lúc không lục tìm được gì. Khi đấy, mình chuyển qua cách khác.

Làm những việc không cần suy nghĩ

Những lúc đã cố gắng nghĩ quá nhiều mà vẫn chưa ra được ý tưởng để viết, mình chọn cách không nghĩ nữa. Mình thấy rằng khi ép bản thân, não trở nên căng thẳng và vô tình tạo ra nguồn năng lượng khá tiêu cực. Chẳng hạn, có vài lần sắp hết ngày mà mình vẫn chưa biết viết gì, thế là bị áp lực và chuyển sang trách móc bản thân. Tệ thật! 

Thay vào đó, mình gạt deadline sang một bên và thả lỏng đầu óc bằng cách làm những việc không phải suy nghĩ như rửa chén, giặt đồ, đi dạo,… Tự nhiên khi ấy ý tưởng lại chợt tới. Điều đó khiến mình vui và ồ lên: “Wow, vậy mà nãy giờ nghĩ không ra”. Mình cảm thấy lúc tinh thần thỏa mái chính là lúc ý tưởng ùa về.

Xem lại các ý tưởng từng ghi chú

Mình học được từ chia sẻ của các anh chị làm nội dung là có ý tưởng nào đến hãy ghi lại vào sổ, điện thoại, máy tính,… để sử dụng khi cần. Trong quá trình sống, làm việc, trải nghiệm, quan sát những thứ xung quanh sẽ gặp nhiều điều ấn tượng mà chúng ta có thể dùng làm tư liệu viết bài. Ngày trước, mình để trong đầu không ghi, lúc cần lại không nhớ ra được. Khi đó mới thấm câu: “Một cái đầu thông minh không bằng một cây bút chì cùn”.

Tuy nhiên, không phải ý tưởng nào cũng có thể khai thác để viết bài liền được. Nó còn tùy vào độ cảm nhận và sự phù hợp với nội dung muốn triển khai. Khi đấy, chúng ta thử tìm kiếm thêm thông tin về ý tưởng đó nhé.

làm gì khi bí ý tưởng

Đọc bài viết, xem video, nghe podcast

Mình tham gia một số cộng đồng viết để rèn luyện và học hỏi. Những lúc lướt mạng xã hội, mình thường đọc bài của người khác. Nếu thấy ý tưởng nào hay, mình xin phép tác giả mượn nó phục vụ cho bài viết của bản thân. Hoặc chúng ta có thể triển khai theo góc nhìn khác của riêng mình.

Ngoài ra, đọc sách, xem video hay nghe podcast cũng là những nơi tìm kiếm ý tưởng tuyệt vời. Cách đây vài ngày, mình bật podcast lên nghe lúc đã nằm êm trên giường chuẩn bị chìm vào giấc ngủ. Vô tình, mình nghe được vấn đề dạo này bản thân đang gặp phải và muốn chia sẻ nội dung đó trong thời gian tới. Như vậy là mình đã có thêm một ý tưởng để viết bài.

Viết ra những gì đang nghĩ trong đầu

Trước kia, mình cho rằng điều này là vô bổ cho đến khi thử làm bằng cách thực hành viết “morning page”. Lý do ban đầu là vì nghe người khác nói cách này tốt cho bản thân vì giúp thanh lọc đầu óc sau khi thức dậy. Khi viết ra những gì đang suy nghĩ trong đầu, các ý sẽ không theo trình tự logic gì cả và nhiều lúc bạn thấy rằng giống như mình viết từ tiềm thức chứ không phải từ nhận thức.

Sau này, khi đọc lại, mình nhận ra một số ý tưởng hay để đào sâu vào nó và chia sẻ đến mọi người. Đặc biệt, cách này còn giúp chúng ta giãi bày tâm sự, chữa lành cũng như thấu hiểu bản thân hơn.

Trò chuyện với người khác

Không ít lần mình nhắn tin cho những người bạn và than rằng đang bí không biết viết gì. Thế là mình nhận được sự trợ giúp từ người khác. Mỗi người đều có góc nhìn và trải nghiệm khác nhau, do đó việc trò chuyện, tâm sự, tham khảo ý kiến của người khác cũng là cách giúp chúng ta có ý tưởng để tạo nên bài viết đa chiều.

Mình tin rằng, bằng thế lực nào đó, ý tưởng rồi sẽ đến khi chúng ta vận dụng nhiều cách để khai thác. Chỉ sợ chúng ta nản không chịu đi tìm mà thôi. Như mình, dù thường xuyên bí ý tưởng nhưng mỗi tuần đều sản xuất nội dung đều đặn là minh chứng cho các phương pháp trên có hiệu quả.

Còn bạn, bạn thường làm gì khi bí ý tưởng? Để lại bình luận và chia sẻ với mình nhé! Cảm ơn bạn rất nhiều.

You Might Also Like

1 Comment

  • Reply
    Mạnh
    13/11/2022 at 18:52

    Kinh nghiệm hay quá. Cảm ơn bạn vì bài viết.👏👏

Leave a Reply