Năm lớp tám, mình được ba mẹ mua cho chiếc máy tính bàn đầu tiên để học. Mình vui lắm, học bài xong là bật máy lên mày mò dùng internet rồi tham gia các diễn đàn. Ngày ấy ở quê mình đa phần học từ sách cơ bản, muốn mua sách nâng cao phải lên thị trấn hoặc ra thành phố khá xa. Việc có máy tính giúp mình dễ dàng tiếp cận với đa dạng tài liệu, đề thi ở khắp nơi. Mình thấy hay là tải về, lưu ở ngoài màn hình. Sau một thời gian nhìn lại, thư mục lưu trữ quá nhiều tài liệu mà mình chỉ để đó không xem.
Công nghệ ngày càng phát triển, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể cập nhật thông tin khắp nơi. Mình tiêu thụ nhiều nội dung hơn, rồi dần dần mắc phải hội chứng sợ bị bỏ lỡ (FOMO). Lướt Facebook, nhìn thấy mọi người đăng tài liệu gì hay và nghĩ rằng cần thiết với bản thân là tải về hoặc “share” vào trang cá nhân ở chế độ chỉ mình tôi. Tự nhủ với lòng rồi sẽ có lúc cần, mình sẽ xem lại liền thôi. Thế nhưng, ngày qua ngày, lượng tài liệu nhiều lên, mình không đủ thời gian để học hết và không biết phải học cái gì đầu tiên. Mình thấy mệt mỏi khi bơi trong đại dương kiến thức to lớn như thế.
Năm 2022, mình muốn học viết. Mình lên mạng tìm kiếm thông tin và hiện ra rất nhiều khóa học, tài liệu, group cũng như sách hướng dẫn khiến mình không biết bắt đầu từ đâu. Những người bạn chia sẻ với mình rằng họ cũng gặp vấn đề như thế khi muốn học một điều mới. Vậy mình đã làm gì để cải thiện tình trạng trên?
Thay vì để sự lan man vô định tiếp diễn và lấy đi nhiều thời gian thì mình quyết định tìm mentor hướng dẫn. Mình tìm một nơi có lộ trình rõ ràng bởi những người có kinh nghiệm thay vì tự bơi. Cách này sẽ tốn chi phí nhưng giúp mình tiết kiệm thời gian và nhanh chóng đạt được kết quả mong muốn. Bên cạnh đó, mình có người đồng hành và môi trường luyện tập.
Nếu bạn có sự kỷ luật và khả năng chọn lọc thông tin tốt thì bạn có thể tự học để tiết kiệm chi phí nha.
Ngoài ra, chúng ta cần xác định mục tiêu của bản thân cũng như nhìn nhận lại những gì đang có (thời gian, sức khỏe, công cụ hỗ trợ, tài chính,…). Các bước mình đang thực hiện để hạn chế quá tải thông tin như sau:
1. Xác định mục tiêu cụ thể
Mình thường tự trả lời câu hỏi: Tôi muốn làm những gì? Hiện tại tôi cần phải tập trung vào điều gì nhất? Đối với các việc muốn làm, chúng ta có thể liệt kê ra một danh sách nhiều đầu việc. Tuy nhiên, hãy chọn một việc cần thiết nhất ở thời điểm hiện tại và làm tốt nó.
Như mình, năm 2022 mình tập trung vào học – luyện viết và phát âm IPA tiếng Anh bên cạnh công việc fulltime. Năm 2023, mình chọn đi học tiếng Anh ở trung tâm để luyện phản xạ giao tiếp. Với blog mình giảm số lượng bài xuống vì bản thân chưa sắp xếp được thời gian.
2. Loại bỏ và giảm thiểu những thông tin không quan trọng
Thời gian đầu học viết, ngoài những bài chia sẻ về viết cơ bản thì mình còn lưu những bài về SEO, marketing, xây dựng cộng đồng,… Tuy nhiên, mục tiêu của mình ở thời điểm ấy là luyện viết cơ bản cũng như cải thiện khả năng diễn đạt. Việc lưu đa dạng tài liệu khiến mình cảm thấy quá nhiều thứ cần phải học và rối hơn.
Sau đó, mình quyết định xóa và bỏ theo dõi những group, người, kiến thức chưa cần thiết để giảm thiểu sự xao nhãng thông tin.
3. Hạn chế đa nhiệm và sử dụng công cụ hỗ trợ
Đa nhiệm là làm nhiều việc cùng một lúc. Chẳng hạn như vừa xem phim vừa kiểm tra tin nhắn, vừa đọc tài liệu vừa trả lời email,… Mình từng nghĩ đa nhiệm giúp tiết kiệm thời gian nhưng thật sự mình cảm thấy mệt hơn và chất lượng làm việc – nghỉ ngơi giảm hẳn. Khi thông tin quá tải, chúng ta thường muốn học nhiều thứ cùng lúc, tuy nhiên điều đó không mang lại hiệu quả cao.
Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng những công cụ hỗ trợ như sổ ghi chép, phần mềm quản lý công việc,… để sắp xếp và nâng cao hiệu suất.
Trên đây là các bước mình đang thực hiện để hạn chế quá tải thông tin cũng như nâng cao năng suất làm việc bằng cách tập trung vào một điều quan trọng tại một thời điểm. Mỗi chúng ta đều có quyền lựa chọn thông tin và mình mong rằng, sự lựa chọn ấy giúp bạn ngày một tốt hơn. Nếu bạn có phương pháp nào khác, hãy chia sẻ với mình bằng cách comment bên dưới nhé!
No Comments