Sống Tốt Hơn

MÌNH ĐỌC SÁCH NHƯ THẾ NÀO?

Cách đọc sách

Năm 19 tuổi, mình tham gia sinh trắc học vân tay với mong muốn khám phá tài năng của bản thân. Sau khi nhận cuốn báo cáo phân tích về sơ đồ não bộ, các trí thông minh bẩm sinh, thế mạnh tiềm năng và nghe tư vấn viên hướng dẫn thì mình biết được rằng khả năng nhận diện vật thể bằng mắt (đọc, quan sát) là có tỉ lệ thấp nhất. Trong khi đó, khả năng nhận diện giọng nói, lưu trữ thông tin qua thính giác (nghe) thì khá cao.

Nghĩ lại mới thấy lúc đọc sách mình thường mất tập trung và sau đó không nhớ gì nhiều. Thêm vào đấy, mình hay có cảm giác chán và rồi lười đọc chỉ sau một vài trang đầu. Mình cho rằng bản thân không thích đọc sách (còn mua sách thì rất thích nha ^^). Tuy nhiên, vì muốn thay đổi thực trạng bất ổn đó nên mình đã tìm hiểu và áp dụng một số phương pháp (bật mí là hiệu quả nhé).

Mình cải thiện thói quen đọc sách như thế nào? Tâm sự của một đứa mau chán đọc

Mình mua nhiều sách nhưng chỉ đọc khoảng một phần ba trong số đó. Mình cũng dễ chán và thường xuyên trì hoãn. Đến một ngày, mình vô tình đọc dòng này trong cuốn sổ mua ở siêu thị:

“Nếu bạn không thích đọc sách, đó chẳng qua là vì bạn chưa tìm được đúng cuốn sách mình cần mà thôi.” – J.K Rowling

Câu nói ấy đã thay đổi suy nghĩ của mình. Nhìn lại, đâu phải lúc nhỏ mình không thích đọc. Mình từng say mê truyện cổ tích, Trạng Quỷnh, Thần đồng Đất Việt, Conan đấy thôi. Nghĩa là hiện tại, mình đang mua những cuốn sách có văn phong không phù hợp với sở thích của mình. Hãy nghĩ xem, bạn có đang ép bản thân đọc các cuốn sách như vậy không nhé!

Bước 1: Bắt đầu với thể loại sách mình thích

Để ý bạn thường đọc gì, xem gì khi cầm điện thoại và nhìn lại từ trước đến nay bạn hứng thú với thể loại nào (truyện, tiểu thuyết, triết học, thơ ca,…). Mới bắt đầu, không nên gò ép bản thân phải đọc sách kinh tế, chính trị hay tài chính nếu bạn không thích hoặc chưa cần. Khi chưa hình thành thói quen đọc đều đặn thì chúng ta có thể đọc thể loại mình thích trước. Điều đó giúp tăng cảm giác thích thú và hạn chế sự chán nản, dễ bỏ cuộc. 

Đọc sáchBước 2: Chọn không gian đọc sách phù hợp

Môi trường xung quanh (âm thanh, ánh sáng,…) sẽ ảnh hưởng đến việc đọc của chúng ta. Như mình, nếu ngồi ở nơi có tiếng ồn (bật nhạc có lời, xung quanh có tiếng nói chuyện lớn,…) thì mình không thể tập trung được bởi vì sự chú ý của mình sẽ hướng đến âm thanh nhiều hơn. Do đó, mình chọn nơi yên tĩnh để đọc sách hiệu quả. Tuy nhiên, một số bạn khác lại thích đọc ở môi trường có tiếng nhạc nhẹ nhàng, trong nhà sách hoặc ở thư viện, vào buổi sáng lúc mới thức dậy hoặc buổi tối trước khi đi ngủ,… Mỗi người sẽ có một không gian phù hợp với riêng mình.

Bước 3: Kỷ luật – mỗi ngày một trang sách

Bạn có từng đặt mục tiêu một tháng đọc vài ba cuốn sách chưa? Mình thì nhiều lần rồi và đa phần thất bại. Khi chưa hình thành thói quen, việc đặt mục tiêu cao sẽ khiến chúng ta áp lực và dễ bỏ cuộc vì chán. Sau đó tự trách bản thân lại càng tiêu cực hơn. Trải qua nhiều lần như vậy, mình tự nhủ rằng mỗi ngày chỉ cần đọc một trang là được, là đã tốt hơn không đọc gì cả rồi. Như thế mình cảm thấy tinh thần thỏa mái và đọc nhiều hơn từ lúc nào không hay. Khi đọc, chúng ta có thể dùng bút rà theo con chữ để tăng sự tập trung nhé.

Nhờ áp dụng những điều trên mà mình đã xây dựng thói quen đọc sách đều đặn cũng như hoàn thành được kha khá cuốn sách yêu thích. Mình biết giai đoạn ban đầu không hề dễ dàng, nhưng nếu mong muốn đủ lớn, tất cả chúng ta đều có thể làm được. Và tất nhiên, lợi ích của việc đọc sách mang lại sẽ không khiến bạn thất vọng.

Đọc sách giúp chúng ta những gì?

Đầu tiên, không thể phủ nhận rằng sách mang đến nguồn kiến thức, thông tin chất lượng giúp chúng ta nâng cao vốn hiểu biết. Với đa dạng thể loại và chủ đề, bạn dễ dàng học được vô vàn thứ từ sách như văn hóa, xã hội, kinh tế, phong cách sống,…

Tiếp đến, đọc sách giúp cải thiện sự tập trung vì trong quá trình đọc, não bộ và các giác quan được đưa về trạng thái tập trung cao độ. Như bạn đã biết, năng suất làm việc/học tập sẽ hiệu quả hơn nếu chúng ta tập trung tốt. 

Và một điều quan trọng, đọc sách giúp mở rộng vốn từ, cải thiện kỹ năng viết lách. Mình học được nhiều câu chuyện thông qua các cuốn sách đã đọc. Muốn viết tốt thì không thể thiếu việc đọc nhiều. 

Ngoài ra, đọc sách còn mang lại các lợi ích khác như rèn luyện trí nhớ, giảm căng thẳng, thư giãn,…

Lời kết

Phải mất một khoảng thời gian và tốn một số tiền thì mình mới nhận ra bản thân thích đọc sách viết theo cách kể chuyện. Đó cũng chính là cách mình đang áp dụng để viết blog này. Hy vọng rằng, bạn sẽ sớm tìm được đúng cuốn sách thuộc về riêng mình.

Để lại bình luận và chia sẻ về cách đọc sách hiệu quả của bạn nhé! Cảm ơn bạn rất nhiều.

 

You Might Also Like

3 Comments

  • Reply
    Mạnh
    01/10/2022 at 15:32

    Đây chính là bài viết mình cần tìm kiếm và giúp ích cho rất nhiều người mới đọc sách. Cảm ơn bạn vì những kiến thức đến từ một người trải nghiệm chuyên đọc sách như bạn. Cảm ơn bạn nhiều.

    • Reply
      Thu Ha
      01/10/2022 at 16:15

      Cảm ơn và mong rằng sắp tới bạn tiếp tục ủng hộ blog của mình nha 🥰

  • Reply
    NHẮC NHỞ BẢN THÂN PHẢI YÊU LẤY MÌNH - Thuha
    27/11/2023 at 10:55

    […] đặn. Mình từng viết bài blog chia sẻ về chuyện đọc, bạn có thể tham khảo ở đây […]

Trả lời Thu Ha Cancel Reply