– Làm sao để tìm được điều mình thích?
Bạn có bao giờ đặt câu hỏi này chưa?
Mình thì tự hỏi bản thân nhiều lần rồi.
Khoảng thời gian mình băn khoăn nhất là giai đoạn sắp 18, khi phải chọn ngành nghề và đăng ký nguyện vọng thi đại học. Lúc đó mình thật sự không biết bản thân thích gì và phù hợp với công việc nào trong tương lai. Điều mình có thể làm lúc đấy là tham gia các buổi định hướng nghề nghiệp, xem các video trên youtube từ những người đi trước. Việc chọn trường học còn phụ thuộc phần lớn vào điểm số nữa.
Và rồi mình đã đăng ký ngành học, cũng không biết có thực sự phù hợp không nhưng cứ học thôi, trải nghiệm rồi mới biết được. Mình vẫn mãi loay hoay đi tìm nơi bản thân thuộc về.
Còn nhớ năm 20 tuổi, mình tham gia buổi hội thảo của một cuộc thi hùng biện. Khách mời là Giáo sư Phan Văn Trường. Cuối giờ, mình lấy hết can đảm của một đứa nhút nhát và sợ nói trước đám đông để đặt câu hỏi cho thầy: “Làm sao để tìm được điều mình thích?”. Đọc đến đây, bạn có mong chờ câu trả lời giống mình không?
Thầy nhắc đến một người thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh của họ, mình không nhớ cụ thể. Câu chuyện kể ông ấy hơn 50 tuổi mới tìm được điều mình thật sự đam mê. Để đi tìm điều mình thích không dễ dàng và cần nhiều thời gian. Có người nhanh chóng tìm thấy, nhưng cũng có người rất lâu mới tìm được. Câu nói mà mình nhớ mãi đến giờ: “Em đừng sợ chưa tìm được điều mình thích, chỉ sợ khi em ngừng không còn đi tìm nữa.”
Đúng vậy. Mình nghĩ rằng tham gia nhiều phong trào, trải nghiệm nhiều công việc khác nhau là sẽ tìm ra. Cho đến khi…
Dịch Covid và cách ly một thời gian dài
Là khoảng thời gian làm bạn với chính mình nhiều hơn những cuộc gặp gỡ.
Là khoảng thời gian quay vào bên trong để hiểu bản thân.
Mới biết rằng, cần nhìn nhận lại các vấn đề xảy ra trong cuộc sống.
Lúc trước, mỗi lần tâm trạng không tốt, mình thường rủ bạn bè đi cà phê trà sữa, ăn uống hoặc phượt đâu đó đến một nơi xa. Gạt vấn đề sang một bên và tiếp tục cuộc sống sau buổi “tụ tập” ấy. Điều đó chỉ tạm thời giúp mình vui lên. Mình quên rằng cần đối diện với cảm xúc thật để tìm ra nguyên nhân và cách giải quyết. Là quay vào bên trong để hiểu cảm xúc của bản thân chứ không phải từ các cuộc vui gặp gỡ bên ngoài.
Dịch covid phải cách ly nên có thời gian rảnh, mình đã thử làm những việc bản thân thích mà trước đó chưa có cơ hội làm. Mình học nấu một vài món mới, tập quay video và chỉnh sửa. Mình lên kế hoạch tập thể dục để cải thiện sức khỏe cũng như không quên đọc sách mỗi ngày.
Quay vào bên trong để hiểu, ngẫm và sống thật với cảm xúc của mình, từ đó mình tìm được điều bản thân yêu, ghét rõ ràng hơn.
Mình chọn viết là người bạn đồng hành để trải lòng và tâm sự những điều xảy ra trong cuộc sống, những cảm xúc khó nói nên lời. Khi tiêu cực, bực bội hay buồn phiền, mình viết ra vấn đề đang gặp phải, thẳng thắn đối diện, đặt các câu hỏi cho bản thân: Tại sao lại có cảm xúc đó? Nguyên nhân thật sự là gì? để tìm hướng giải quyết. Nhờ vậy, mình nhanh chóng thoát khỏi các cảm xúc không tốt và cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn.
On Unsplash
Nếu bạn cũng đang như mình…
Đừng quá lo lắng nếu bạn chưa tìm được, vì bạn không cô đơn. Có nhiều người đang đi tìm giống bạn, trong đó có mình. Miễn sao chúng ta luôn mang một trái tim nhiệt huyết, không ngại khó khăn thử thách, mạnh mẽ tiến về phía trước. Mình tin rằng rồi chúng ta sẽ sống cuộc đời mong muốn.
Đừng quá khắt khe với chính mình, vì chúng ta vẫn đang cố gắng mỗi ngày. Đã từng không ít lần mình hờn trách bản thân khi bất cẩn, khi sai sót hay đánh mất một cơ hội nào đó. Mình quên rằng không phải việc gì cũng có thể làm tốt ngay ở lần đầu tiên mà cần thời gian để hoàn thiện dần dần.
Đừng so sánh bản thân với người khác, vì mỗi người có một cuộc đời khác nhau. Chúng ta đến với cuộc sống này để là chính mình chứ không phải theo mong muốn của người khác. Sự so sánh có thể khiến bạn áp lực, mệt mỏi và mất niềm tin vào bản thân. Nếu được, hãy so sánh với chính mình của ngày hôm qua, tốt hơn một chút là đã thành công rồi. Có một câu nói đọc được từ sách rằng: “Khi đã đủ yêu chính bản thân mình thì sẽ quên đi lòng đố kỵ với người khác.”
Gần đây, mình đọc cuốn sách “Không sợ chậm chỉ sợ dừng” của Vãn Tình – một tác giả người Trung mình rất thích. Ở bài đầu tiên tựa đề: “Tôi đã bước ra khỏi mơ hồ như thế nào?”, tác giả viết rằng “Làm thế nào để thoát khỏi những suy nghĩ mông lung, đáng sợ? Đó là nghĩ ít đi và làm nhiều hơn.”
“Một người biết hoang mang tức là trong lòng vẫn còn ấp ủ sự nhiệt thành và mong muốn theo đuổi một điều gì đó…. Một ngày nào đó, khi đã sẵn sàng làm bạn với vất vả, bắt tay làm từ những điều nhỏ nhất thì bạn sẽ tìm được con đường mình cần đi và không còn bị nỗi lo lắng, hoang mang bủa vây nữa.”
Mong rằng, bạn luôn tự tin với con đường đã chọn.
2 Comments
Mạnh May Mắn
31/08/2022 at 15:18Cái tiêu đề hay quá trời đất luôn. Một bài đầu tiên trong blog tự vấn bản thân. Tôi như thấy con người mình trong câu chuyện của bạn. Tiến về phía trước nào bạn tôi. Good chóp.
Thu Ha
31/08/2022 at 15:28Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog mình nhé!