Hiểu Bản Thân

CHUYỆN SO SÁNH VÀ ÁP LỰC NGÀY TẾT

Chuyện so sánh và áp lực ngày tết

Gần đây, mình và em gái nhắn tin hỏi thăm nhau về một số việc chuẩn bị cho lễ Tết sắp tới. Vô tình nhắc đến một người chị ở quê, em gái mình bảo rằng chị ấy dạo này công việc thuận lợi nên mức thu nhập khá cao và cuộc sống gia đình hạnh phúc nên mẹ chị thường xuyên đi “khoe” về con gái với mọi người xung quanh. Nghe xong mình suy nghĩ: Tết về quê kiểu gì cũng bị đem ra so sánh đây.

Mình sinh ra và lớn lên ở nông thôn và hàng xóm xung quanh nhà thường lấy con cái ra so sánh với nhau. Đặc biệt là những đứa trẻ bằng tuổi hoặc chênh lệch không nhiều. Lúc nhỏ thời đi học ở trường thì so sánh điểm số, thành tích học tập. Lớn lên thì so sánh công việc, địa vị, lương bổng,… Sống chung với sự so sánh như thế khiến những đứa trẻ ấy bị đè áp lực trên vai, mệt mỏi và có thể hình thành tính cách không tốt như đố kị, sân si.

Mình quen một cô bạn bằng tuổi hiện đang sống ở Nhật Bản. Mình từng nghe cô ấy kể về những khó khăn khi ở một đất nước khác như trang trải học phí và chi phí sinh hoạt. Thế nhưng, hàng xóm nghĩ rằng đi nước ngoài là có nhiều tiền và mỗi lần cô bạn về quê y như rằng bị hỏi về vấn đề này. Những câu hỏi như: Qua bên Nhật rồi đem bao nhiêu tiền về cho bố mẹ… khiến cô ấy cảm thấy áp lực mỗi khi muốn về nước thăm gia đình.

Người chị đồng nghiệp của mình từng kể ngày xưa chị thường bị bác gái đem ra so sánh với con trai của bác ấy. Nếu chị học có bằng khen mà cậu bạn kia không có thì cậu sẽ bị đánh, có lần còn bị vừa lôi đi vừa đánh tại trường. Hết năm 12 cậu thi đại học không đậu, chị kia đậu, thế là bác bắt học lại một năm mà không quan tâm con mình có muốn học hay không. Bác ấy cứ luôn so sánh con mình với con nhà người khác từ nhỏ đến lớn, và luôn muốn mình hơn. Về sau, nhà bác ấy xảy ra nhiều biến cố, chị đồng nghiệp nói vui rằng: Nhà mình không lo cứ đi soi nhà người khác rồi để nhà mình như nồi cám lợn.

Bạn rất đặc biệt

Tết đến, câu chuyện so sánh được nói nhiều hơn khi mà những người con xa quê về tụ họp và họ hàng xóm làng sang nhà nhau chúc Tết. Dĩ nhiên sẽ có những lời hỏi thăm và quan tâm chân thành, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều câu hỏi dò xét để so sánh, hơn thua. Vậy làm cách nào để hạn chế tổn thương tinh thần khi gặp trường hợp như thế? 

Mình chọn cách tập trung vào bản thân (focus on myself)

Đầu tiên, chuẩn bị tinh thần ứng xử với các câu hỏi kiểu như:

– Hiện cháu đang làm công việc gì?
– Lương tháng bao nhiêu?
– Bao giờ lấy chồng?

Mình thì trả lời chung chung qoa loa cho xong chuyện. Và mình cũng hạn chế đi đến các buổi họp mặt họ hàng, trừ khi thực sự cần thiết. Nếu có nghe những câu nói so sánh hay phán xét nào đó thì cứ nghĩ rằng “tập trung vào mình, người ta muốn nói gì nói”. Bởi vì chỉ có mình mới hiểu cuộc sống của bản thân như thế nào.

Mới đây, mình xem được một video của anh Nguyễn Hữu Trí (thầy Quéo) nói về lý do những câu hỏi tò mò, so sánh làm bạn suy sụp trong ngày Tết. Thầy bảo rằng đó là vì bạn cho phép nó xảy ra bởi sự ngờ vực bên trong của mình. Cụ thể là: “Ở bên trong các bạn ngờ vực về con đường mình đang đi, định hướng mình đang theo đuổi, mối quan hệ mình đang xây dựng, mục tiêu mình đang ấp ủ và chinh phục. Nếu bạn vẫn còn ngờ vực bản thân thì dù người khác hỏi với sự chân thành, quan tâm thì các bạn vẫn cảm thấy đau như thường. You still heart yourself (bạn tự làm tổn thương chính mình).”

Video ấy khiến mình suy ngẫm. Khi mình không tin tưởng bản thân thì những câu nói của người khác rất dễ tác động đến mình. Khi tâm lý còn đè nặng việc sợ bị so sánh là vì mình chưa thỏa mái chấp nhận bản thân. Thì ra nguyên nhân chính nằm ở mình chứ không phải ở lời nói của người khác, bởi chúng ta đâu thể kiểm soát được họ muốn nói gì, nhưng chúng ta có thể thay đổi tư duy của mình.

Tết sắp đến, câu chuyện so sánh và áp lực ngày Tết thì vẫn còn đó. Mình mong rằng chúng ta sẽ có cái Tết thật vui vẻ, hạnh phúc và đoàn viên bên gia đình. Dù có nghe những lời nói phán xét hay so sánh, luôn giữ vững lòng tin ở bản thân bạn nha. Quan trọng là chúng ta có khoảng thời gian ý nghĩa cùng những người yêu thương. Và nhớ là tập trung vào chính mình, bạn nhé!

You Might Also Like

3 Comments

  • Reply
    Mạnh
    08/01/2023 at 22:37

    Bài này hay quá trời đất Hà ơi, t đọc như thôi miên. Bạn biết gì không, tao kết đoạn thông điệp cuối bài quá. Cảm ơn bạn thân của tôi đã dặn dò. Mến bạn.

  • Reply
    Hải Dương
    10/01/2023 at 14:12

    Hà ơi viết nhiều vào nhé, càng ngày thích đọc bài của em á.

  • Reply
    ÁP LỰC ĐỒNG TRANG LỨA VÀ CÁCH MÌNH VƯỢT QUA - Thuha
    14/11/2023 at 21:42

    […] từng viết một bài về chuyện so sánh và áp lực ngày tết vào đầu năm. Cụm từ “con nhà người ta” có lẽ không xa lạ nữa, thậm chí […]

Trả lời Hải Dương Cancel Reply