Sống Tốt Hơn

CÁCH MÌNH GIẢM THỜI GIAN SỬ DỤNG ĐIỆN THOẠI

Cách giảm thời gian sử dụng điện thoại

Ngồi trong phòng chờ ở cửa hàng bảo dưỡng xe máy đợi lấy xe, mình thấy xung quanh ai cũng tập trung vào điện thoại. Vào giờ nghỉ trưa công ty, đa phần mọi người dùng điện thoại lên mạng xã hội. Mình dẫn em gái đi gội đầu dưỡng sinh, cô bé vừa “tận hưởng” sự thư giãn vừa lướt Tiktok. Và mình, cũng thường xuyên sử dụng điện thoại trong thời gian rảnh (lúc chờ đợi mua đồ/giờ giải lao…). Dần dần hình thành thói quen khó sửa – dùng điện thoại trong vô thức.

Mình cảm thấy, việc sử dụng điện thoại nhiều khiến cơ thể mệt mỏi. Cái mệt thứ nhất là đau mắt, đau đầu, đau lưng (vì dùng điện thoại thường ngồi hoặc nằm hoài một chỗ trong thời gian dài). Cái mệt thứ hai là đau ở tâm, khi mình trì hoãn những việc cần làm và sau đó trách móc bản thân. Nhiều lúc mình chán ghét chính mình vì để điện thoại chi phối như thế.

Vậy nguyên nhân nằm ở đâu? Mình bị FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ). Mình hay có tâm lý “không biết có ai nhắn tin không, có việc gì cần mình giải quyết không, có bỏ lỡ thông tin nào quan trọng không”. Sau một thời gian thì mình thấy hầu như không có gì “gấp gáp” cần đến mình cả (nếu có sẽ gọi điện). Mình phải tìm cách kiểm soát việc sử dụng điện thoại để tạo cuộc sống chất lượng hơn. Mình lên mạng tham khảo và thử những cách như tắt thông báo, giới hạn thời gian, để xa tầm tay,… nhưng chúng không hiệu quả với mình lắm. Hiện tại, cách mình thấy hiệu quả nhất là: đưa bản thân vào môi trường không (hoặc khó) sử dụng điện thoại. Chẳng hạn như:

(Lưu ý: Nếu bạn sử dụng điện thoại thường xuyên để làm việc, học tập và phát triển bản thân thì đó là điều tốt. Bài viết này phù hợp với những bạn muốn tham khảo cách giảm thời gian sử dụng điện thoại nếu đa phần dùng vào việc vô bổ)

Mạng xã hội - con dao hai lưỡi

1. Đi thư viện

Không gian ở thư viện là sự tĩnh lặng – nơi mọi người đến để đọc sách. Như thư viện gần chỗ mình ở, vào phòng đọc là bỏ cặp, đồ đạc bên ngoài. Bên trong hầu như ai cũng chăm chú đọc và không sử dụng điện thoại. Nếu muốn có khoảng thời gian tập trung học tập/làm việc, mình mang laptop và sổ đến thư viện, để điện thoại ở ngoài và mình thấy bản thân tập trung hơn hẳn.

2. Xem phim

Mục này thì tùy vào mỗi người nha. Bạn cần quan sát chính mình để thấy có thực sự phù hợp hay không. Còn mình thì thấy rằng khi xem một bộ phim yêu thích, mình sẽ quên hết những thứ xung quanh và chăm chú vào nội dung phim. Chúng ta có thể xem phim chiếu rạp, hoặc xem phim qua máy tính nếu muốn tiết kiệm chi phí. Và điều này chỉ phù hợp khi chúng ta đã hoàn thành những việc cần làm, muốn giải trí nhưng không muốn “bấm bấm” điện thoại.

3. Đi bộ, đạp xe, tham gia một môn thể thao

Khi đi bộ, đạp xe hay chơi một môn thể thao nào đó thì thật khó để vừa sử dụng điện thoại vừa tập luyện vì rất nguy hiểm. Nếu một mình, vào thời gian rảnh, bạn có thể đi bộ quanh chỗ ở, hay đạp xe vài vòng, vừa thư giãn, vừa vận động cơ thể. Hoặc nếu có đội, chúng ta có thể rủ nhau chơi cầu lông, bóng chuyền,… sẽ tốt cho sức khỏe, thay vì ngồi ở nhà và lướt điện thoại.

4. Đi chùa

Mình không thường xuyên đi chùa nhưng khi có những ngày muốn tịnh tâm, muốn tìm đến chốn bình yên, mình đăng ký các khóa tu một ngày ở chùa. Những lúc ngồi thiền, đọc kinh, nghe các thầy giảng thì sẽ để điện thoại bên ngoài. Tuy nhiên, một số chùa vẫn cho mang điện thoại vào trong giảng đường và chúng ta cần bật chế độ im lặng để không làm ảnh hưởng đến mọi người.

5. Gặp gỡ bạn bè

Gặp gỡ người quen, bạn bè và cùng nhau trò chuyện cũng là một cách giảm bớt thời gian sử dụng điện thoại. Khi tụ tập, hội họp, mình thường bỏ điện thoại trong túi để tập trung vào những người xung quanh. Mình tin rằng, điều đó giúp cho cuộc gặp gỡ trở nên chất lượng hơn rất nhiều.

6. Nuôi thú cưng

Trong thời gian cách ly bởi dịch Covid 19, mình nuôi một bé cún. Những lúc buồn chán, thay vì lướt điện thoại, mình chơi với em ấy. Và mình nhận thấy tâm trạng tốt lên khi dành thời gian chăm sóc và nuôi thú cưng. Nếu bạn yêu thích động vật và thấy phù hợp thì có thể nuôi một (vài) bé để “vui cửa vui nhà” nhé.

7. Đọc sách

Cách này cực kỳ tốt cho những bạn thích đọc, còn với những bạn không thường xuyên đọc thì cần thời gian để tạo thói quen. Như mình, thời gian đầu đọc sách mình rất khó tập trung, dễ chán, được một vài trang là “ngứa” tay cầm điện thoại. Bây giờ, mình đã cải thiện hơn rất nhiều. Bạn có thể tham khảo phương pháp của một đứa mau chán đọc ở bài viết này nha: Mình đọc sách như thế nào?

8. Xóa đi mạng xã hội bạn cảm thấy bị “ngốn” nhiều thời gian 

Mình đã xóa Tiktok khỏi điện thoại khoảng nửa năm khi nhận ra Tiktok lấy đi nhiều thời gian của mình. Khi lướt Tiktok, mình bị cuốn vào những clip ngắn và sau đó cảm thấy không nhận lại được gì. Mạng xã hội hiện đang rất phổ biến, cũng là con dao hai lưỡi, chúng ta có thể bỏ bớt những thứ không cần thiết để dành thời gian cho điều bổ ích hơn.

Trên đây là những cách mình đã từng/đang áp dụng để hạn chế thời gian sử dụng điện thoại một cách vô bổ. Ở mỗi thời điểm, mình chọn một (vài) cách khác nhau mà mình cảm thấy phù hợp tại lúc đó. Theo mình, đầu tiên chúng ta cần quan sát để hiểu bản thân phù hợp với điều gì. Và sự kỷ luật là điều quan trọng tiếp theo.

“Con người phát minh ra điện thoại, đồng thời cũng sinh ra nỗi bất an khi không có nó ở bên” (Trích Thế gian này nếu chẳng còn mèo – Kawamura Genki). Mình mong rằng, chúng ta có thể sử dụng điện thoại một cách hiệu quả nhất và không trở thành nô lệ của món đồ công nghệ ấy.

You Might Also Like

2 Comments

  • Reply
    Mạnh
    06/03/2023 at 06:41

    Mình thì thường hay đọc sách, nghe podcast hay đi ra ngoài ngắm cảnh vật. Hầu như mình nhận thấy tình trạng báo động là đa số mọi người đều sử dụng điện thoại một cách cảm tính.
    Nhận thức và thay đổi là cả một quá trình.
    Cảm ơn bạn về bài viết.

    • Reply
      Thu Ha
      07/03/2023 at 10:13

      Mình đồng ý với bạn, thay đổi không hề dễ dàng và cần thời gian.

Trả lời Mạnh Cancel Reply