Sống Tốt Hơn

ÁP LỰC ĐỒNG TRANG LỨA VÀ CÁCH MÌNH VƯỢT QUA

Áp lực đồng trang lứa

Chủ đề Peer Pressure (áp lực đồng trang lứa) trở nên quen thuộc trong những năm gần đây. Khi vòng tròn mối quan hệ của mỗi người ngày càng rộng mở, không chỉ là người thân, bạn bè, hàng xóm mà còn mạng xã hội, cho phép chúng ta kết nối bạn bè ở khắp nơi trên thế giới.

Theo mình, áp lực đồng trang lứa là cảm giác tự ti, cảm thấy yếu kém khi so sánh bản thân với những nhóm người tương đồng (bạn bè cùng tuổi, đồng nghiệp, cùng tầng lớp xã hội,…). Đặc biệt là khi không đạt được các thành tựu giống như họ.

Tại sao chúng ta bị áp lực đồng trang lứa?

Đi học hay đi làm, mình đều không ít lần trải qua cảm giác áp lực đồng trang lứa này. Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến Peer Pressure mà mình rút ra được.

Cách giáo dục coi trọng thành tích từ bé

Từ nhỏ, mình được mọi người xung quanh bảo rằng phải cố gắng học thật giỏi. Bởi vì học giỏi thì sau này mới có thể “đổi đời”, không làm những công việc tay chân cực nhọc như các thế hệ đi trước. Điều ấy giúp mình siêng năng chăm chỉ hơn để trở thành học sinh giỏi. 

Thời mình đi học, điểm số rất được coi trọng. Điểm số là thước đo đánh giá năng lực của học sinh. Mình luôn cố gắng chạy đua để không bị tụt hạng và nhiều lần buồn khóc nếu không đạt thành tích như mong muốn.

Vậy điều đó ảnh hưởng như thế nào? Thành tích hay những con số không nói lên hết khả năng của một người. Việc coi trọng quá mức khiến chúng ta có thể chỉ chú tâm đến những thứ không thật sự cốt lõi mà luôn muốn cạnh tranh để đứng “top” trong lớp và được công nhận.

Bị so sánh với “con nhà người ta”

Mình từng viết một bài về chuyện so sánh và áp lực ngày tết vào đầu năm. Cụm từ “con nhà người ta” có lẽ không xa lạ nữa, thậm chí còn được sử dụng nhiều ở các nội dung trên mạng xã hội. Mình từng xem các video vui vui kiểu đang ăn cơm cùng bố mẹ thì tivi phát lên chuyên mục “học sinh nghèo vượt khó học giỏi” hoặc “tôi đã kiếm nhiều tiền ở tuổi 18/19/20 như thế nào…”.

Nghe áp lực nhỉ? Người ta bằng tuổi mình, thậm chí nhỏ tuổi hơn mà đạt được thành quả lớn như vậy rồi, còn mình thì vẫn chông chênh và bận suy nghĩ “ngày mai ăn gì” :v. Đùa một chút, thực ra dù không có truyền thông hay mạng xã hội thì chúng ta vẫn thường bị so sánh với “con nhà người ta” xung quanh mình.

Còn nhớ, lúc nhỏ mình chăm học nhưng lười làm việc nhà, trong khi bạn cùng lớp ở nhà đối diện chiều nào cũng phụ mẹ dọn dẹp. Thế là mẹ mình bảo: “Nhìn bé S kia kìa, sao con không được như bạn”. Thực ra, mẹ muốn mình siêng làm việc nhà hơn nhưng đôi khi cách truyền đạt khiến một đứa trẻ mang cảm giác bị so sánh. Dần dần, điều đó tạo nên áp lực phải bằng hoặc vượt qua người khác.

Áp lực đồng trang lứa - bạn đã làm rất tốt rồi

Kỳ vọng của gia đình và xã hội

Đi học thì cố gắng đạt thành tích vượt trội, ra trường đi làm thì cố gắng để có lương cao và chức vụ tốt trong công ty lớn, rồi sau đó lập gia đình sinh con, có nhà cửa ổn định,… đấy là những kỳ vọng mà gia đình đặt ra cho chúng ta để được xã hội coi trọng. Ai cũng muốn con mình như số đông hoặc nổi bật hơn, và mang đến niềm tự hào cho dòng họ.

Điều này khiến chúng ta bị áp lực bởi con đường vạch sẵn mà đôi khi cũng chẳng phù hợp với mình. Nếu chọn một con đường khác, kết quả đến chậm hơn, trong khi bạn bè đã sớm ổn định theo “tiêu chuẩn” xã hội dễ khiến chúng ta hoài nghi bản thân, cảm thấy thua kém mọi người.

Ảnh hưởng của mạng xã hội và truyền thông

Nếu như ngày xưa, mối quan hệ của chúng ta gói gọn trong một xóm làng nhỏ thì bây giờ, ta có thể theo dõi và cập nhật cuộc sống của bất kỳ ai khi xem trang cá nhân của họ. Và mọi người thường muốn “show” ra những điều đẹp nhất, nổi bật và hoàn hảo nhất.

Bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu một ngày vào facebook, bạn bè cập nhật hình ảnh du lịch nước ngoài sang chảnh. Hay họ vừa mua một chiếc xe mới đắt tiền, lên chức vụ mới với thu nhập cao,… Rồi đọc các tin tức truyền thông về những con người xuất sắc, trẻ tuổi đa tài,… Mình từng áp lực rất nhiều khi liên tục đọc và xem những thông tin này.

Chúng ta thật sự cần gì? Cách mình vượt qua Peer Pressure

Áp lực đồng trang lứa không hẳn là xấu, nó có thể thúc đẩy bạn vươn lên, giỏi giang hơn và chạm đến những cột mốc thành công. Bên cạnh đó, cách để chuyển hóa từ áp lực sang động lực là cực kỳ quan trọng.

Bạn thật sự cần gì? Câu hỏi này đã giúp mình vượt qua cảm giác áp lực khi so sánh bản thân với người khác. Đây là câu hỏi mình tự trả lời khi xem xong bài giảng “Ước mơ của người khác, không liên quan gì đến bạn” trong một khóa học về tài chính. Đôi khi, chúng ta muốn những thứ mình không cần (như khi nhìn vào hào quang người khác), và cũng có thể là ta không cần nhiều thứ như mình nghĩ.

Mình nghe một câu chuyện từ bạn M. Bạn kể rằng lúc chưa có nhiều tiền, M thấy bạn bè đi du lịch và chụp những tấm hình đẹp cực kỳ. M cũng muốn được như thế, cố gắng kiếm tiền và sau này cùng người yêu đi du lịch khắp nơi rồi chụp hình, làm album cưới. Thế nhưng khi bạn đã có tài chính tốt thì M cảm thấy mình thích ở nhà hơn, không thích đi du lịch cho lắm. 

Ước mơ của mình phải thật sự khiến mình vui vẻ và hạnh phúc khi thực hiện chứ không phải là như người khác. Cho nên, tập trung vào bản thân hơn để hiểu mình cần phát triển những điều gì, thay vì muốn được như ai đó. Mình cũng hạn chế cập nhật tin tức trên mạng xã hội về bạn bè, người quen và các kênh truyền thông.

Gần đây, mình trồng hoa và chăm cây. Mình trồng củ hành tím nữa. Cùng một loại đất, cùng thời gian, được tưới nước và hứng nắng như nhau nhưng có củ đã lên lá dài, có củ vừa nhú lá và có củ chưa thấy dấu hiệu gì. Cây lá còn có những mốc phát triển khác nhau, huống chi là con người. Mỗi chúng ta, sinh ra ở hoàn cảnh khác, xuất phát điểm khác, sống cuộc đời khác thì so sánh thật khập khiễng. Mình mong rằng bạn luôn tin vào bản thân và cố gắng vượt lên chính mình chứ không phải một ai khác, bạn nhé.

You Might Also Like

No Comments

    Leave a Reply