Sống Tốt Hơn

3 CÁCH MÌNH ÁP DỤNG GIÚP TĂNG SỰ TẬP TRUNG

Cách tăng sự tập trung

Hôm nọ, một đứa em tâm sự với mình rằng: “Chị ơi, càng ngày em thấy bản thân càng dễ mất tập trung ạ”. Mình hỏi kỹ hơn: “Sao em lại thấy thế?”. Cô bé kể rằng:

– Hồi nhỏ, em chăm học và tập trung tốt lắm. Em còn nhớ, nhiều lần ba mẹ có tiệc với bạn bè, trong nhà ồn ào nhưng em vẫn tập trung vào bài vở của mình. Nghĩ lại khi ấy học tiến bộ và hiệu quả thật. Còn bây giờ, ngồi vào bàn một chút em lại cầm điện thoại lướt mạng xã hội, kiểm tra thông báo, nhắn tin. Em thấy năng suất học tập/làm việc kém hẳn mà còn tốn nhiều thời gian nữa…

Nghe xong, mình đồng cảm sâu sắc vì chính mình từng ở trong câu chuyện đó. Nhiều lần, mình tự hỏi có phải càng lớn sẽ càng dễ mất tập trung vì có nhiều chuyện ảnh hưởng đến bản thân hơn lúc bé không. Nhưng nghĩ lại, tại sao nhiều người vẫn tập trung tốt và làm việc hiệu quả. Chẳng qua là do mình chưa biết cách để cải thiện. Vì không muốn hiệu suất kém hoài như vậy nên mình đã tìm hiểu và áp dụng một số cách đơn giản giúp tăng sự tập trung hơn. Mời bạn tham khảo nhé.

Làm sao để tăng sự tập trung?

Đầu tiên, và cũng là điều quan trọng nhất, là hãy tự hỏi chính mình có thật sự muốn thay đổi hay không. Với mình, tất cả sự thay đổi tốt hơn đều bắt đầu từ mong muốn của bản thân, từ động lực bên trong thì mới kiên trì lâu dài được. Nếu bạn muốn ít, bạn duy trì được vài ngày hay vài tháng. Nếu bạn muốn nhiều, bạn có thể duy trì nhiều năm.

Cách 1: Xác định việc cần làm – giảm “thẩn thơ thời gian”

Lúc mới nghe từ “thẩn thơ thời gian” ở video trên kênh Youtube Web5ngay, mình tâm đắc ghê gớm. Cái từ mô tả quá đúng với thực trạng nhiều người mắc phải hiện nay, trong đó có mình. Nghĩ lại xem bạn có từng gặp một số trường hợp này không nhé!

+ Bạn dự định lên Youtube tìm thông tin về chủ đề học tiếng Anh. Khi vào trang chủ, tự dưng xuất hiện các video “hot” như đám cưới ca sĩ nổi tiếng, vụ cháy nào đó, bạn tiện tay bấm vào xem. Rồi video này đề xuất video khác, bạn tạm quên mục tiêu ban đầu. Thế là mất vài tiếng đồng hồ, bạn chợt nhận ra mình chưa xem video học tiếng Anh nào cả.

+ Bạn dự định viết bài cho blog/khách hàng. Chuẩn bị bắt tay vào làm thì tin nhắn của đứa bạn thân tới. Bạn tự nhủ rằng trả lời cũng chỉ mất vài phút thôi. Nhưng rồi, tin nhắn này nối tiếp tin nhắn khác. Lúc bạn nhớ lại mình chưa hoàn thành công việc thì thời gian cũng đã trôi qua vài tiếng rồi.

Hai ví dụ trên đều từ chính bản thân mình. Bệnh nghiêm trọng nên phải nghiêm túc chữa trị vì sự thẩn thơ thời gian làm ảnh hưởng đến các công việc phía sau. Và cách mình thực hiện để cải thiện là:

+ Viết ra các đầu việc cần làm lên giấy chứ không suy nghĩ lan man trong đầu vì sẽ dễ sa vào “cám dỗ” mà quên mất. Ví dụ: (hình ảnh bên dưới)

Viết ra việc cần làm

+ Dự kiến thời gian hoàn thành cho từng việc, nghiêm túc với bản thân làm việc gì ra việc nấy. Bên cạnh đó, mình thường tự động viên “cố gắng tập trung hoàn thành nhanh thì sẽ dư thời gian rồi xem phim/nghe nhạc/giải trí…” để có động lực hơn.

+ Bỏ điện thoại ra khỏi tầm mắt hoặc không mang theo (nếu không cần thiết) để hạn chế bị làm phiền trong lúc đang tập trung.

Cách 2: Giải trí, nghỉ ngơi cũng cần tập trung

Mình từng nghĩ rằng lúc học tập, làm việc mới cần tập trung còn vui chơi giải trí thì sao cũng được. Cho đến khi nghe phân tích từ một số video trên Youtube mình mới nhận ra trước giờ bản thân đã hiểu sai. Mình thử liệt kê một số trường hợp thường gặp ở mình và đa số bạn trẻ bây giờ:

+ Buổi trưa, bạn dự định nghỉ ngơi một giờ đồng hồ để tỉnh táo hơn trước khi vào ca làm việc buổi chiều. Tuy nhiên, bạn lại lướt mạng xã hội và rồi thời gian nghỉ trưa nhanh chóng trôi qua, bạn cảm thấy mệt mỏi vì chưa ngủ được chút nào.

+ Bạn đang coi phim và mở gmail để kiểm tra hoặc nhắn tin với bạn bè. Thế là, bạn không xem bộ phim trọn vẹn được mà việc trả lời gmail cũng chưa xong.

Đôi khi chúng ta nghĩ như vậy là tranh thủ thời gian nhưng thực ra không hiệu quả lắm đâu. Một số nghiên cứu cho rằng làm nhiều việc cùng một lúc (ở con người) sẽ giảm hiệu suất. Mình thấy đúng với bản thân: não mình trở nên căng thẳng khi phải phân chia sự tập trung ra như thế.

Hiện tại, mình cải thiện bằng cách khi giải trí, nghỉ ngơi hay ăn uống thì chỉ tập trung vào nó. Chẳng hạn, mỗi tối thứ 7 hàng tuần có một chương trình âm nhạc mình rất yêu thích là The Marked Singer Vietnam – Ca sĩ mặt nạ. Dù còn một số việc chưa hoàn thành nhưng mình tạm thời quên đi để tập trung xem chương trình thôi. Và tốt hơn là cố gắng làm xong để được giải trí trọn vẹn.

Cách 3: Hạn chế chú ý đến những thứ vô nghĩa

Mình thấy rằng, sự phát triển của công nghệ cũng như mạng xã hội đã thu hút nhiều sự chú ý của chúng ta. Đặc biệt là những tin giật gân, nhạy cảm, các “drama” được lan truyền rộng rãi trên các nền tảng Facebook, Tiktok,… Nếu bạn thường xuyên quan tâm đến “chuyện của người khác”, không liên quan gì tới bản thân thì bạn đang lãng phí nhiều thời gian lắm đấy. 

Một thời gian, mình tải ứng dụng Tiktok để xem thông tin nhanh bằng các clip ngắn. Mình đánh lừa rằng sẽ xem những clip bổ ích và cần thiết với bản thân nhưng khi lướt thì xuất hiện các clip phim, hài hước, tin nóng,… khiến mình cũng tò mò xem. Với suy nghĩ “một clip chỉ một vài phút” sẽ không mất nhiều thời gian nhưng thực ra mình coi rất nhiều clip. Cảm thấy bất ổn, thế là mình đã xóa Tiktok để hạn chế chú ý đến những thứ vô nghĩa.

Chúng ta không có nhiều thời gian đến thế. Nếu bạn tập trung vào chuyện trời, chuyện đất, chuyện của người khác thì làm sao có đủ thời gian tập trung vào chính mình.

Tăng sự tập trung

Đó là ba cách mình đã và đang thực hành để tăng sự tập trung. Mình luôn tin rằng nếu muốn làm việc hiệu quả và quản lý thời gian tốt thì khả năng tập trung phải tốt. Với bạn thì sao? Bạn có cách nào hay hãy chia sẻ với mình ở bình luận bên dưới nhé! 

Ghi chú: Mình có tham khảo video “Tăng 10 lần năng suất làm việc” trên kênh Youtube Web5ngay, thực hành và viết lại bằng trải nghiệm cá nhân.

You Might Also Like

4 Comments

  • Reply
    Chinh
    16/10/2022 at 13:43

    Đây là bệnh giới trẻ, độ bảo phủ còn rộng hơn cả corona

    • Reply
      Thu Ha
      16/10/2022 at 13:56

      Bệnh này khó chữa thật 🙂

  • Reply
    Mạnh
    16/10/2022 at 13:57

    Đúng quá bạn, rất đúng.
    Cảm ơn bạn đã liệt kê ra được nguyên nhân làm mất sự tập chung. Cách kỷ luật bản thân sao cho hợp lý và hiệu quả nhất. Bài này chắc chắn bạn đầu tư thời gian và cô đọng rất nhiều. Cảm ơn bạn.
    Đón chờ những bài chất lượng như này tiếp theo của bạn. Thank you.

    • Reply
      Thu Ha
      16/10/2022 at 14:16

      Mình cũng đang thực hành để cải thiện sự tập trung, không dễ dàng chút nào. Mong rằng những cách trên có thể giúp được bạn một phần nào đó nhé!

Trả lời Mạnh Cancel Reply